Lịch sử Thịnh vượng chung Philippines

Hình thành

23 tháng 3 năm 1935: Hội nghị Hiến pháp. Ngồi, từ trái sang phải: Bộ trưởng Chiến tranh George H. Dern, Tổng thống Franklin D. Roosevelt, và Manuel L. Quezon

Chính quyền lãnh thổ thuộc Hoa Kỳ trước năm 1935, hay Chính phủ Đảo dân, do một toàn quyền đứng đầu và người này được Tổng thống Hoa Kỳ bổ nhiệm. Tháng 12 năm 1932, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Hare–Hawes–Cutting tạo tiền đề trao độc lập cho người Philippines. Các điều khoản trong dự luật bao gồm bảo lưu các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ, cũng như áp đặt thuế quan và hạn hạch cho xuất khẩu của Philipines.[17][18] Tổng thống Herbert Hoover phủ quyết Đạo luật Hare–Hawes–Cutting, tuy nhiên Quốc hội Hoa Kỳ phế trừ phủ quyết của Hoover vào năm 1933 và thông qua dự luật bất chấp Hoover phản đối.[19] Tuy nhiên, dự luật bị Chủ tịch Hạ viện Philippines đương thời là Manuel L. Quezon phản đối, Hạ viện Philippines cũng bác bỏ dự luật.[20]

Tình hình này dẫn đến tạo lập và thông qua một dự luật mới mang tên Đạo luật Tydings–McDuffie,[lower-alpha 2] hay còn gọi là Đạo luật Độc lập Philippines, theo đó chấp thuận thành lập Thịnh vượng chung Philippines với một thời kỳ chuyển tiếp hòa bình kéo dài 10 năm hướng đến độc lập hoàn toàn – ngày cụ thể là 4 tháng 7 sau kỷ niệm 10 năm thành lập Thịnh vượng chung.[17][21][22]

Một Hội nghị Hiến pháp được triệu tập tại Manila vào ngày 30 tháng 7 năm 1934. Ngày 8 tháng 2 năm 1935, Hiến pháp 1935 của Thịnh vượng chung Philippines được hội nghị phê chuẩn với 177/1 phiếu. Hiến pháp này được Tổng thống Franklin D. Roosevelt phê chuẩn vào ngày 23 tháng 3 năm 1935 và được thông qua theo phiếu phổ thông vào ngày 14 tháng 5 năm 1935.[23][24]

Ngày 17 tháng 9 năm 1935,[8] diễn ra bầu cử tổng thống. Các ứng cử viên gồm có cựu tổng thống Emilio Aguinaldo, thủ lĩnh Giáo hội Độc lập Philippines Gregorio Aglipay, cùng những người khác. Manuel L. Quezon và Sergio Osmeña thuộc Đảng Quốc dân được tuyên bố thắng cử, giành được chức vụ tổng thống và phó tổng thống.[17]

Chính phủ Thịnh vượng chung nhậm chức vào sáng ngày 15 tháng 11 năm 1935, trong một buổi lễ trên các bậc thềm của Tòa nhà Nghị viện tại Manila. Một đám đông khoảng 300.000 người tham dự sự kiện này.[8]

Trước Thế chiến

Chính phủ mới thi hành các chính sách kiến quốc tham vọng nhằm chuẩn bị cho độc lập về kinh tế và chính trị.[17] Chúng bao gồm quốc phòng (như Đạo luật Quốc phòng 1935 thiết lập một chế độ cưỡng bách tòng quân trong nước), kiểm soát lớn hơn đối với kinh tế, hoàn thiện các thể chế dân chủ, cải cách giáo dục, cải thiện giao thông, xúc tiến phát triển các thủ phủ địa phương, công nghiệp hóa, và thuộc địa hóa đảo Mindanao.

Tuy nhiên, những điều không xác định tỏ ra là các vấn đề lớn, đặc biệt là trong tình hình ngoại giao và quân sự tại Đông Nam Á, mức độ trong cam kết của Hoa Kỳ với Cộng hòa Philippines trong tương lai, và trong kinh tế do Đại khủng hoảng. Tình hình càng phức tạp do có các cuộc khởi nghĩa nông dân, và đấu tranh quyền lực giữa Osmeña và Quezon,[17] đặc biệt là sau khi Quezon được phép tài cử sau một nhiệm kỳ sáu năm.

Thế chiến II

Nhật Bản bất ngờ tấn công Philippines vào ngày 8 tháng 12 năm 1941. Chính phủ Thịnh vượng chung nhập Lục quân Philippines vào Lục quân Viễn Đông Hoa Kỳ để chống lại Nhật Bản. Manila được công bố là một thành phố không phòng thủ nhằm tránh bị tàn phá,[25] và bị người Nhật Bản chiếm lĩnh vào ngày 2 tháng 1 năm 1942.[26] Trong khi đó, các trận chiến chống lại Nhật Bản tiếp tục tại bán đảo Bataan, đảo Corregidor, và đảo Leyte cho đến khi quân Hoa Kỳ-Philiipines đầu hàng chung cuộc vào tháng 5 năm 1942.[27]

Manuel L. Quezon thăm Franklin D. Roosevelt tại Washington, D.C. trong khi lưu vong

Quezon và Osmeña được các binh sĩ hộ tống từ Manila đến Corregidor, sau đó họ dời đến Úc rồi Hoa Kỳ. Tại Hoa Kỳ, họ lập một chính phủ lưu vong,[28] chính thể này tham dự Hội đồng Chiến tranh Thái Bình Dương và Tuyên ngôn Liên Hiệp Quốc. Trong thời gian lưu vong, Quezon bệnh mất, Osmeña trở thành tổng thống.

Trong khi đó, quân Nhật tổ chức một chính phủ mới tại Philippines, được gọi là Đệ nhị Cộng hòa Philippines, đứng đầu là Tổng thống José P. Laurel. Chính phủ này cuối cùng trở nên rất không được ủng hộ.[29]

Kháng cự quân Nhật chiếm đóng tiếp tục tại Philippines, trong đó có Hukbalahap ("Quân đội Nhân dân kháng Nhật"), gồm có 30.000 người có vũ trang và kiểm soát phần lớn Trung Luzon.[29] Thông qua phương pháp du kích, tàn dư của Quân đội Philippines cũng chiến đấu thành công với quân Nhật khiến người Nhật chỉ còn kiểm soát được 12/48 tỉnh.[29]

Tướng MacArthur và Tổng thống Osmeña trở về Philippines

Lực lượng Hoa Kỳ dưới quyền Douglas MacArthur đổ bộ tại Leyte vào ngày 20 tháng 10 năm 1944, họ được hoan nghênh như những người giải phóng,[17]. Giao tranh tiếp diễn tại các khu vực hẻo lánh của Philippines cho đến khi Nhật Bản đầu hàng vào tháng 8 năm 1945. Ước tính có đến một triệu người Philiipines tử nạn trong đại chiến, và Manila bị thiệt hại trên quy mô rộng khi một số lực lượng Nhật Bản chống lệnh bỏ thành phố.[29]

Sau Chiến tranh tại Philippines, Thịnh vượng chung được khôi phục và bắt đầu một giai đoạn chuyển tiếp một năm nhằm chuẩn bị độc lập. Tổng tuyển cử được tổ chức trong tháng 4 năm 1946, kết quả là Manuel Roxas thắng cử làm tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Philippines độc lập, và Elpidio Quirino đắc cử làm phó tổng thống.

Độc lập

Thịnh vượng chung kết thúc khi Hoa Kỳ công nhận Philippines độc lập vào ngày 4 tháng 7 năm 1946, theo đúng kế hoạch.[30][31] Tuy nhiên, kinh tế vẫn phụ thuộc vào Hoa Kỳ.[32] Điều này là kết quả của Đạo luật mậu dịch Bell, còn gọi là Đạo luật mậu dịch Philippine, đó là một điều kiện tiên quyết để nhận viện trợ khôi phục sau chiến tranh từ Hoa Kỳ.[33]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thịnh vượng chung Philippines http://www.houseofdavid.ca/frnlus.htm http://www.ualberta.ca/~vmitchel/ http://www.ualberta.ca/~vmitchel/fw5.html http://arabnews.com/?page=7&section=0&article=8010... http://www.britannica.com/eb/article-23717/Philipp... http://www.britannica.com/eb/article-9039248/Hare-... http://www.britannica.com/eb/article-9073977/Tydin... http://www.chanrobles.com/philsupremelaw.htm http://www.chanrobles.com/tydingsmcduffieact.htm http://select.nytimes.com/gst/abstract.html?res=F6...